Lyn's Insight
Để mình được... buồn
Sài Gòn vừa mới được gia hạn thêm lần nữa cái Chỉ Thị 16. Nó hay bông đùa với gia đình: Ối dào, Sài Gòn cứ hết CT16 thì sẽ có CT16+, rồi CT16 plus, rồi CT16 xs max… gì gì đó mãi thôi!
Quả thực như vậy. Mới cuối tuần vừa rồi, khi nó tèn tèn đi ra chỗ tiêm vắc xin, thứ vắc xin mà người ta bảo của Tung Của cũng có lắm người kén chọn, cơ mà số người đi tiêm lại thực sự rất đông. Từng hàng người dài kéo mãi, dài mãi tới nỗi người ta còn chẳng buồn quan tâm đến " Nguyên tắc 2 mét" giữa người với người. Nó tự hỏi: Trong bấy nhiêu người, có chắc là không có F0 nào? Câu hỏi cũng dừng ở đó và nó lẳng lặng dắt xe phi về nhà, hài lòng với một chút không khí khi chạy xe máy. Chưa bao giờ, nó có cảm giác hân hoan khi được ra đường đến vậy.
Nói một chút về chuyện đi tiêm. Có vẻ như, người ta nghe đồn được mấy cái dự thảo gì đó sắp diễn ra vào ngày 15/09 rằng: phải tiêm Vắc xin mới được ra đường. Cho nên, người người, nhà nhà kéo ào ạt đi tiêm; Khắp cái facebook của nó ngập trài những câu hỏi kiểu như: Không có tin nhắn có được đi tiêm không mọi người? Ở… thì tiêm ở đâu ạ? …các kiểu. Vắc xin trong mắt mọi người, dường như không còn là thứ để hỗ trợ con người ta vượt qua bệnh dịch một cách đỡ đau đớn hơn, phòng vệ cho bản thân tốt hơn, mà nó đơn giản chỉ là một tấm thẻ đi đường- để người ta được ra đường. Sài Gòn gần kết thúc tháng thứ 4 từ đợt giãn cách- một phần ba của năm mất rồi. Nó nhớ lại: Tháng đầu tiên, người ta ở nhà vì nhà nước kêu gọi, xã hội kêu gọi. Tháng thứ hai, ở nhà vì sức khoẻ của bản thân và gia đình khi mà mỗi ngày cứ sáu bảy ngàn ca nhiễm; Tháng thứ ba, ở nhà vì ra đường sẽ bị phạt 2 trịu. Dù đói, dù thất nghiệp, dù bế tắc hay tù túng, con người ta vẫn phải chọn ở nhà, đơn giản là vì không có lựa chọn khác. Tháng thứ tư, người ta khao khát được ra đường, có khi chỉ để đi tiêm vắc xin. Đến thời điểm này rồi, thì những đồng tiền tiết kiệm gần như cũng đã lôi ra để xài hết rồi; những ai còn giữ được việc làm, dù là bị giảm bớt lương cũng được coi là những thành phần rất may mắn; và đại đa số sẽ là thất nghiệp, là vô gia cư; là vật vã với tiền trọ, tiền điện, tiền nước mỗi tháng; là loay hoay với những nhận đồ hỗ trợ từ phường, từ tổ từ nhà nước; người không nhận được thì lên mạng kêu la oán thán…
Nó, những ngày này cảm thấy một chút chông chênh, một chút lười biếng và một chút thảnh thơi, nên tự cho mình được Buồn. Đối với người ta, buồn là một thứ gì đó bi kịch lắm, là một cảm xúc rất tệ mà chả mấy ai thích. Dù vậy, với Nó, sau những ngày dài làm quen với việc quản lý thời gian, công việc, nhà cửa, con cái và cả những thú vui mới của chính mình; nó bận rộn đến nỗi nó chính thức được nghỉ ngơi là thời điểm con trai nó chìm vào giấc ngủ ban đêm. Nó trở mình, bật chiếc điện thoại và xem vội vài tin tức trong ngày: Hôm nay vẫn cứ hơn 5 ngàn ca mới; SG sẽ lại giãn cách tiếp thôi…Thực ra, nó không hề rảnh. Còn nhiều thứ, nhiều thứ nó muốn trải nghiệm, muốn thay đổi lắm. Nhưng hiện tại, nó buông bỏ. Nói đúng hơn, là tự cho nó lặng một chút. Không vội vã nếu như công việc không thực sự gấp gáp; không đăng hình, status mỗi ngày nếu như không có gì mới mẻ, đâu phải ai cũng có thứ mới mỗi ngày, nhất là khi gần hết tháng thứ 4 trong căn phòng trọ bé nhỏ này; không thêu thùa may vá; không cả đọc sách; tóm lại là không làm gì cả. Nó lặng lẽ nhìn, đọc, và tận hưởng cảm giác này. Cảm giác mỗi ngày mở mắt ra, nó được hít thở không khí trong lành giữa phố xá; Nó được nhìn thấy những con đường nhỏ vắng bóng xe cộ; Vắng cả tiếng người; Đâu đó, tiếng ếch nhái vang lên mỗi đêm mưa xuống; cảm giác một chút băn khoăn giữa những lựa chọn mang tính chất “ cơm áo gạo tiền”; Là cảm giác, những bữa ăn đơn giản, gọn nhẹ đến nhàm chán, nhưng cũng đủ để duy trì dinh dưỡng và sự sống; Cảm nhận tình yêu và những câu chuyện chắp vá của con trẻ 2 tuổi rưỡi, có lúc pha trộn giữa những nhân vật có thực và trong phim. Có lúc, khuấy lên một chút lo lắng cho một ai đó xa lạ, chẳng biết mặt, cũng chưa nói chuyện bao giờ kèm lời chúc từ tâm: Cố lên anh, còn thở là còn cơ hội chiến thắng! Là thi thoảng nhớ tới những người bạn, những người lâu lâu mới hỏi han nhau, lâu lâu mới nhớ ra nhau nhưng luôn không quên dặn dò: Nếu có khó khăn gì, nhớ phải nói đấy nhé! Nếu cần giúp gì, thì bảo nhé! Nó không dư dả, nhưng cố gắng, không để những khó khăn của bản thân đè lên người khác, nó vẫn xoay xở được, trong khả năng của mình, nên luôn nói bạn: Yên tâm! Và trong lòng không khỏi dấy lên những cảm xúc biết ơn, biết ơn chỉ vì còn nhớ đến mình, biết ơn vì những cánh tay đưa ra để mình nắm lấy nếu cần. Cuộc sống này lặng lẽ trôi, mỗi ngày, mỗi ngày không có gì khác lắm so với ngày hôm qua. Nếu ai đó chờ đợi ngày hết dịch bệnh, chắc không xảy ra. Nó cho phép mình buồn một chút, để tiếp nhận, để bước qua và để chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Dù sao đi nữa, Sài Gòn sẽ tỉnh giấc vào một ngày không xa…
Sài Gòn một ngày giữa tháng 9